Tiếp tục phụng sự Hậu Lương Cao_Quý_Hưng

Vào mùa hè năm 912, Dĩnh vương Chu Hữu Khuê sát hại Hậu Lương Thái Tổ, sau đó tức hoàng đế vị.[11] Cuối năm 912, tướng Ngô (tức Hoằng Nông) là Hoài Nam tiết độ phó sứ Trần Chương (陳璋) đem quân công chiếm Nhạc châu[chú 16] của Sở. Sau đó, Trần Chương tiến công Kinh Nam, Cao Quý Hưng cử Nghê Khả Phúc cự chiến, Trần Chương không thể chiếm được quân này và phải triệt thoái. Quân Kinh Nam và Sở sau đó hội binh ở Giang Khẩu[chú 17] để chặn đường, song Trần Chương vẫn thoát được.[11]

Đồng thời, Cao Quý Xương suất binh, tuyên bố là giúp Hậu Lương chống Tấn, tiến công Tương châu (襄州)- thủ phủ của Sơn Nam Đông đạo (tức Trung Nghĩa quân). Sơn Nam Đông đạo tiết độ sứ Khổng Kình (孔勍) đánh bại Cao Quý Hưng. Theo ghi chép, từ sau trận chiến này, Cao Quý Xương ngừng gửi cống phẩm cho triều đình Hậu Lương.[11]

Năm 913, Chu Hữu Trinh đoạt lấy hoàng vị Hậu Lương, đổi tên thành Chu Trấn, ông ta cố gắng xoa dịu Cao Quý Xương bằng việc phong tước Bột Hải vương cho Cao Quý Xương. Tuy nhiên, Cao Quý Hưng vẫn bắt đầu gây dựng một hạm đội, phát triển lên tới 500 thuyền, tu sửa thành hào, bổ sung khí giới, chuẩn bị công thủ, chiêu tụ những người tị nạn. Hơn nữa, ông bắt đầu giao thông với Tiền Thục và Ngô, triều đình Hậu Lương không thể ngăn chặn.[11]

Năm 914, Cao Quý Xương suất thủy quân ngược dòng Trường Giang, cố đoạt lấy bốn châu của Thục song trước đó thuộc về Kinh Nam: Quỳ châu (夔州), Vạn châu (萬州), Trung châu (忠州), và Phủ châu (涪州)- nay đều thuộc Trùng Khánh. Trong cuộc tiến công đầu tiên vào Quỳ châu, Cao Quý Xương định dùng hỏa thuyền đốt chiến hạm Tiền Thục, song quân Tiền Thục trước đó đã căng xích sắt ngang sông, thuyền Kinh Nam không thể tiến được. Gặp đúng hướng gió, ngọn lửa hướng ngược về quân Kinh Nam, binh sĩ Kinh Nam chết cháy và chết đuối rất nhiều. Sau cuộc tiến công của Cao Quý Xương, có người đề xuất với Hoàng đế Tiền Thục Vương Kiến rằng hãy phá một con đập ở vùng Tam Hiệp để dùng dòng nước hủy diệt Giang Lăng, song Vương Kiến không làm như vậy vì e ngại sẽ làm hại nhiều dân thường vô tội.[12]

Năm 917, Cao Quý Xương và Khổng Kình khôi phục quan hệ, ông lại nộp cống phẩm cho triều đình Hậu Lương.[12]

Năm 919, quân Sở tiến công Kinh Nam, Cao Quý Xương cầu viện Ngô. Ngô khiển Trấn Nam tiết độ sứ Lưu Tín (劉信) đem bộ binh tiến công Đàm châu[chú 18]- thủ đô của Sở, khiển Vũ Xương tiết độ sứ Lý Giản (李簡) đem thủy binh tiến công Phục châu[chú 19]. Do quân Ngô tiến đến Đàm châu, quân Sở buộc phải bỏ tiến công Kinh Nam và triệt thoái, song Sở để mất Phục châu về tay Ngô.[13]

Năm 921, Cao Quý Xương lệnh cho Đô chỉ huy sứ Nghê Khả Phúc đem 10 vạn tốt tu sửa ngoại quách của thành Giang Lăng. Khi Cao Quý Xương đích thân đến thị sát, ông trách Nghê Khả Phúc tiến hành công trình một cách chậm chạp, phạt đánh trượng vị thông gia này. Tuy nhiên, ông lại nói với nhi nữ (làm dâu của Nghê Khả Phúc): "Truyền lại lời cho cha chồng của con: Ta chỉ muốn uy chúng nên mới trừng phạt ông ta thôi." Ông cũng bí mật đưa vài trăm lượng bạc cho bà để giao cho Nghê Khả Phúc.[14]